Thủ tướng: ‘Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác‘
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 – 12 tuổi.
Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022. Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 10 và 10 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; công tác phòng, chống dịch bệnh và một số nội dung quan trọng khác.
10 tháng qua dịch COVID-19 kiểm soát tốt, số ca mắc, tử vong giảm sâu

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tiếp tục phục hồi, đạt kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực; Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, với ca mắc, ca tử vong giảm sâu (tỷ lệ tử vong 0,38%, thấp hơn mức trung bình thế giới 1,04%). Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng…

Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ hơn 87,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 55,26 triệu lượt người lao động và gần 851 nghìn người sử dụng lao động). Các hoạt động văn hóa, thể thao tiếp tục diễn ra sôi động; nhiều sự kiện được tổ chức thành công, ý nghĩa.

Về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chủ động, quyết liệt xây dựng và thực hiện, giải ngân đạt gần 66,3 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương với tổng số vốn 147.138 tỷ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án.
 
Thủ tướng: 'Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác' - Ảnh 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 5 cân đối lớn của chúng ta là thu đủ chi; xuất đủ nhập; làm đủ ăn; cung cầu lao động, an ninh năng lượng được bảo đảm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đã ban hành 68 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. 52/52 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn. Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình KTXH của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Đó là sức ép về lạm phát, tỷ giá, năng lượng trong khi kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm, một số nền kinh tế lâm vào suy thoái. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển KTXH, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng: 'Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác' - Ảnh 3.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá cả, nhất là mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu trong những tháng cuối năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh chưa được xử lý triệt để. Công tác phối hợp của một số bộ, ngành có nơi, có lúc còn chưa được chặt chẽ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp…

Càng khó khăn, càng phải đoàn kết

Chỉ rõ các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh: "Càng khó khăn, càng phức tạp, càng có nhiều thách thức thì chúng ta càng phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ lẫn nhau. Nhà nước chia sẻ với người dân, doanh nghiệp; doanh nghiệp chia sẻ với Nhà nước cùng nhau vượt qua khó khăn. Chúng ta phải đoàn kết trong ngoài, đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới và phối hợp hết sức chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương".

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, phải bám sát tình hình trên nguyên tắc xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy kết quả thực tiễn làm thước đo để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp.

Thủ tướng: 'Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác' - Ảnh 4.
Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, củng cố niềm tin của thị trường, nhà đầu tư, người dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trong lãnh đạo điều hành, không chuyển trạng thái một cách đột ngột, không điều hành một cách giật cục, tôn trọng quy luật khách quan của thị trường, gồm quy luật cung cầu và cạnh tranh; phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, hiệu quả và phải phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, ngành; không hình sự hóa các quan hệ dân sự; trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân theo quy định của pháp luật…

Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 – 12 tuổi.

Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội. Các thành viên Chính phủ, nhất là các đồng chí Bộ trưởng thuộc 4 lĩnh vực: Xây dựng, Nội Vụ, Thanh tra Chính phủ, Thông tin truyền thông và các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực thực hiện tốt công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội XV, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước chủ động xây dựng phương án điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm chủ động, linh hoạt hiệu quả. Giữ ổn định, thúc đẩy phát triển hệ thống ngân hàng thương mại.

Bộ Tài chính kiểm soát tốt chi ngân sách, đẩy mạnh tiết kiệm chi. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với tình hình; Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt các giải pháp tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, phấn đấu bảo đảm thặng dư thương mại bền vững.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; Bộ GTVT phấn đấu khởi công 12 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 (2021-2025) vào cuối năm nay cũng như thông xe 4 tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020). Bộ Y tế phải khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế. Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích, đánh giá kỹ việc thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, đề ra giải pháp cụ thể.

"Các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành trong lĩnh vực được phân công quản lý", Thủ tướng nêu rõ.
Từ khóa tìm kiếm: Covid19
Lượt xem: 372
Đang xử lý...